Xin hãy tiếp tục gọi các linh mục là cha...

https://nsgh.net/xin-hay-tiep-tuc-goi-cac-linh-muc-la-cha



Xin hãy tiếp tục gọi các Linh mục là Cha...


Kinh Thánh là cuốn sách được in ra nhiều ngôn ngữ khắp thế giới và là sách bán chạy nhất xưa nay. Tuy nhiên, có nhiều câu trong Kinh Thánh khiến người đọc dễ hiểu lầm nếu không được học hỏi, đào sâu và hiểu với tinh thần truyền thống của Huấn Quyền Giáo Hội. Việc hiểu sai Kinh Thánh không phải là chuyện mới, mà đã có từ xa xưa. Nói ngược lại, những lạc giáo mà chúng ta thấy xuất hiện nhan nhản trong Giáo Hội ngày nay... thực ra chẳng có gì là chuyện mới. Chúng mang lấy những hình thức và cung cách diễn tả khác nhau, trong khi nội dung cốt lõi thì đã có từ những lạc giáo từ thuở đầu của lịch sử Giáo Hội mà thôi. Việc thiếu hiểu biết Kinh Thánh và đọc hiểu giáo lý đã khiến cho những lạc giáo tương tự cứ tiếp tục nảy sinh mà thực ra chỉ cần đọc lại lịch sử các tín điều hay các sách Giáo Lý của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy các giáo phụ và các nhà thần học cổ thời đã giải quyết rốt ráo những vấn đề ấy cả rồi! Tuy nhiên, chưa tới mức lạc giáo như khái niệm "Mẹ Đức Chúa Cha", "Đức Chúa Trời Mẹ", "phải ăn thực vật, không được ăn động vật vì Chúa cấm"... nhưng việc hiểu và giải thích sai lệch nhiều đoạn Kinh Thánh một cách cực đoan cũng khiến nhiều người chủ trương muốn cắt nghĩa Kinh Thánh theo ý riêng của họ mà thôi. Điều này thật nguy hiểm.

Ví dụ, rất nhiều người hiểu câu Đức Giêsu nói trong Tin Mừng thánh Matthêô ở chương 23 câu 9 hoàn toàn theo nghĩa đen: "Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời." Họ hiểu nghĩa đen hoàn toàn nên đề nghị không nên gọi các linh mục là cha nữa. Có lẽ thái độ này xuất phát từ một thái độ bài giáo sĩ khi phải chịu đựng những hành xử quá đáng nào đó nơi một số vị giáo sĩ có tinh thần giáo sĩ trị chăng... Hay chính những người này, do thái độ và cách hành xử cực đoan thế nào đó nên bị các cha có lần lên tiếng nhằm bảo vệ trật tự và sự hiệp nhất trong cộng đoàn, nên đâm ra dị ứng luôn các linh mục chăng. Nhưng nhiều khi chính các vị lãnh đạo Giáo Hội (dù hiếm hoi) cũng đề nghị đừng gọi các Linh Mục là cha nữa, vì một số lý do nào đó [1] ... Tuy nhiên, kiên quyết không gọi các linh mục là cha viện cớ câu nói này của Đức Giêsu thì có vẻ buồn cười và thực sự không hiểu về Kinh Thánh. Chúng ta có thể về nhà và gọi ba mình ra nói rằng: "Đây Lời Chúa dạy, từ nay về sau tôi không gọi ông là ba tôi nữa đâu nha!". "Đó là Lời Chúa!" Nghe có được không? Chẳng có Lời Chúa nào dạy ngược ngạo nghịch với điều răn thứ tư về đức hiếu thảo như vậy cả. Vấn đề là người ta tách một câu của Chúa nói ra khỏi ngữ cảnh để nói theo ý riêng, mà không quan tâm gì tới bối cảnh bản văn cũng như kiểu nói nhấn mạnh cố tình của Chúa. Bối cảnh của bản văn này là việc Chúa đang lên án thói giả hình, trọng hình thức bề ngoài của những nhà lãnh đạo dân chúng. Chúa khuyên các môn đệ bắt chước những người lãnh đạo thời đó bắt dân chúng phải coi mình là thầy (rabbi), là cha và là người chỉ đạo. Chúa dạy chúng ta đừng tạo cho mình những vỏ bọc không đúng. Nhiều khi chúng ta mang trong mình ước muốn được người khác thổi phồng bản thân. Hội chứng "bong bóng" thích nở nang cái tôi khiến chúng ta dễ ảo tưởng, để rồi tô vẽ, đánh bóng bản thân mình, trong khi thực sự chúng ta không đáng được như vậy. Chúa cảnh giác chúng ta điều đó. Chứ nếu chúng ta là thầy là cô mà học sinh không gọi chúng ta là thầy cô thì còn gì lễ nghĩa nữa? Chúng ta là cha mẹ mà chúng ta không cho con cái chúng ta không gọi mình là cha là mẹ thì phải xem lại rồi đó. Hay chúng ta đáng lẽ là người chỉ đạo mà người khác không còn muốn gọi chúng ta là người chỉ đạo thì nó là vấn đề chứ không đơn giản nữa, hay nói theo kiểu giới trẻ, là "tới công chuyện" rồi! Hơn nữa, Chúa đã gọi thánh Giuse là cha Người (Lc 2,50) và chính Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần dùng danh xưng "cha" chỉ cho một số nhân vật trong các dụ ngôn của Ngài (người cha nhân hậu, "có người cha nào khi con cái xin...") . Thánh Phaolô đã gọi các tín hữu là con cái (Gl 4,19; 2 Cr 6,13), và ví mình như là cha của họ: "Dù cho anh em có hàng vạn người dẫn dắt trong Chúa Kitô, nhưng anh em chẳng có nhiều cha đâu, vì nhờ Tin Mừng tôi đã sinh ra anh em trong Chúa Giêsu Kitô" (1Cr 4,15). Lý do là vì nhờ việc rao giảng Tin Mừng, thánh nhân đã giúp cho các tín hữu tái sinh vào đời sống mới. Thánh Phaolô đã ví những lao nhọc trong công cuộc tông đồ như những đau khổ cực nhọc của cha mẹ trong việc sinh thành dưỡng dục con cái [2].

Tuy nhiên, xin hãy tiếp tục gọi các linh mục là cha, những chỉ vì những nền tảng về Kinh Thánh đã nói trên, cũng không phải để tạo dịp cho hàng giáo sĩ tiếp tục sống tinh thần giáo sĩ trị có lợi cho mình, nhưng vì những lý do sâu xa hơn sau đây.

Xin hãy tiếp tục gọi các linh mục là "cha", vì tình phụ tử thiêng liêng nhưng đích thực của chức linh mục đối với dân Chúa:


Không phải chỉ có tại Việt Nam, các linh mục mới được gọi là "cha", nhưng đây là một tục lệ xa xưa trong Giáo Hội, có trong tất cả các ngôn ngữ: Pater (tiếng Latin), Père (tiếng Pháp)Father(tiếng Anh)Padre(tiếng Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha).[3] Cho đến khoảng năm 400, một giám mục được gọi là "cha" ("papa"); danh xưng này sau đó đã bị giới hạn chỉ để gọi các Đức Giám Mục Rôma, người kế vị Thánh Phêrô và rồi được gọi là "Giáo Hoàng". Thời cổ đại của Giáo Hội, người ta gọi những văn sĩ Kitô giáo và các nhà thần học là "giáo phụ", vì các vị ấy là những người cha của Giáo Hội. Theo nghi thức ban đầu của luật Dòng, Thánh Bênêđictô (khoảng 547) chỉ rõ danh xưng này để gọi các linh mục giải tội, vì các ngài là những người giám hộ các linh hồn. Hơn nữa, từ "viện phụ" (abbas) chỉ người lãnh đạo đức tin của cộng đoàn tu sĩ trong đan viện có nguồn gốc ở từ abba, tiếng Aram, ngôn ngữ người Do Thái nói trong thời Chúa Giêsu có nghĩa là cha. Sau này, vào thời Trung cổ, từ "cha" cũng đã được dùng để gọi các tu sĩ Dòng khất thực – như các tu sĩ Dòng Phanxicô và Dòng Đa Minh – vì qua lời giảng dạy và công việc bác ái, họ chăm sóc cho những nhu cầu tinh thần và thể chất của tất cả con cái Thiên Chúa. Những người đứng đầu các cộng đoàn dòng tu cũng được gọi là "cha bề trên" hoặc ngay cả những người tham dự vào các Công Đồng Chung như Công Đồng Vatican II thì được gọi là "nghị phụ"[4].

Như vậy, ở các nước phương Tây cũng như ở Việt Nam, việc gọi các linh mục là "cha" từ lâu đã trở thành phong tục phổ biến. Nhưng tục lệ này có đúng đắn không? Thưa đúng. Thực sự, linh mục thực sự là người cha của các Kitô hữu, vì tình phụ tử dù thiêng liêng nhưng đích thực của chức linh mục đối với dân Chúa. Ai đã sinh các Kitô hữu ra trong bí tích Thánh Tẩy? Ai đã nuôi dưỡng các Kitô hữu bằng Lời Hằng Sống, Mình Máu Thánh Chúa và các bí tích? Ai đã nâng đỡ, ủi an, hướng dẫn và tha thứ cho các Kitô hữu khi họ đến toà cáo giải? Ai đã chuẩn bị và tiễn đưa các Kitô hữu trên đường về quê trời vĩnh cửu? Chính linh mục là người đã sinh các Kitô hữu ra trong ơn thánh Chúa, dạy dỗ và nuôi dưỡng họ bằng các bí tích và Lời Chúa, tha thứ và hướng dẫn cho họ đường lành nẻo chính, và cũng chính linh mục đã tiễn đưa người Kitô hữu về trời. Khi thực hành những điều này với tấm lòng mục tử, người linh mục thực sự sống tinh thần phụ tử thiêng liêng nhưng đích thực của các ngài. Mà thực sự ra cũng vì nhu cầu của đoàn chiên thì mới có sự hiện diện của các ngài. Thật vậy, chức linh mục không phải là một phần thưởng cho một cá nhân ưu tú nào đó có thể đạt được, một quyền lợi nào đó mà người ta có thể đòi hỏi hay chiếm lấy, nhưng là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa mà người ta chỉ có thể đón nhận bằng lòng cung kính biết ơn sâu xa, qua sự kêu gọi của Giáo Hội.

Tình phụ tử thiêng liêng nhưng đích thực ấy cho phép các Kitô hữu gọi một linh mục là "cha", dù cho vị đó đáng kính do tuổi tác hay vẫn còn xanh màu tóc vì trẻ tuổi (từ cổ của Giáo Hội để gọi các linh mục là presbyter có nghĩa gốc là hàng kì mục, trưởng lão). Khi chúng ta gọi các linh mục là "cha", danh xưng ấy gợi nhớ cho linh mục biết rằng khi sống và thi hành sứ mạng ở giữa dân Ngài, ngài cần phải mỗi ngày trở nên hình ảnh của Thiên Chúa Cha, Đấng mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta gọi là Abba, "cha", "bố", "ba". Thực tế, người giáo dân cách chung không ngại gọi các linh mục là cha xưng con. Vì khi bước theo Chúa trên đường ơn gọi, người đi tu được nhiều người tôn trọng và yêu mến. Nhưng chính bản thân kẻ này lúc còn làm thầy, mỗi lần nghe người khác gọi mình là "thầy", thật sự rất ngượng ngùng nhất là khi người đối diện lớn tuổi hơn, giỏi giang và tốt lành hơn kẻ ấy. Nhiều người không chỉ tôn trọng, mà còn kính trọng người đi tu nữa. Cần biết rằng đó không chỉ là một thứ xã giao lịch sự nhưng đó còn là một thái độ của đức tin. Bởi vì có tin vào Chúa, tin vào đời sống đạo đức, tin tưởng vào người sống đời ơn gọi, người ta mới hành xử như thế. Nhưng đó không phải là dịp để người đi tu ảo tưởng về bản thân mình, sinh ra kiêu kì tự mãn, hay tệ hơn là dùng đời tu để trục lợi... Trái lại, là dịp để các chủng sinh và linh mục cần phải thêm tự hạ, luôn đối xử hiền lành và chan hòa với mọi người cũng như mỗi ngày thêm ý thức sống xứng đáng hơn với danh xưng ấy. Người linh mục cần biết trân trọng những tâm tình ấy, đừng để người khác phải thất vọng vì đã tin tưởng mình. Và trên hết, xin cho các linh mục mỗi ngày thêm đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh – Mục Tử nhân lành để qua đời sống của các cha, mọi người được thấy gương mặt Chúa trong cuộc đời này. Người linh mục còn được mời gọi ý thức tình phụ tử thiêng liêng đó vì sống tinh thần của Đức Giêsu Kitô mục tử nhân lành, Đấng đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Bởi vì, như thánh Gioan Maria Vianney, cha sở thánh của họ Ars đã nói một câu để đời: "Chức linh mục là tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu", người linh mục hơn ai hết, có lẽ là người tâm niệm trong lòng mình mỗi ngày câu này.

Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, thật ra có nhiều người không ngại xưng "cha-con" với linh mục, nhưng cũng có những người vì tính cách cực đoan mà nhất quyết không chịu gọi như vậy. Nói cho cùng thì đó là sự tự do của họ thôi, vì có ai bắt họ phải gọi vậy đâu. Tuy nhiên, có lẽ ẩn sâu trong cách hành xử của những người như vậy là một thứ tổn thương nào đó, một vấn đề nào đó trong tâm hồn và đời sống của họ chăng? Bởi lẽ thực sự, chữ "cha" cũng nằm trong những từ ngữ khác nhau, với những hàm ý khác nhau rất rõ tùy hoàn cảnh. Có khi người ta gọi "cha" với tâm tình tôn trọng, kính ái, nhưng cũng có thể là mỉa mai, miệt thị, thậm chí xúc phạm chửi rủa[5]. Mong rằng người giáo dân khi gọi các linh mục là "cha" cũng hàm ý tốt lành, tôn trọng, chứ nhiều người đon đả, ngon ngọt gọi linh mục là "cha" nhưng sau lưng lại không hề tôn trọng. Ngược lại, cũng có những người trong lòng vẫn quý mến chức thánh nơi người linh mục nhưng vì những ác cảm nào đó trong quá khứ gây cho họ ấn tượng xấu, hay một lý do nào đó nơi họ làm cho họ cảm thấy ngại gọi vị linh mục là "cha". Ngày nay, cũng có một số bạn trẻ khi tiếp xúc với các linh mục (nhất là các cha trẻ) cũng vì cố ý hay vô tình mà hay gọi các linh mục bằng "anh", hay "em". Điều này cũng có điểm hay mà cũng có điểm dở. Nếu vị linh mục ấy có tương quan sâu sắc thân thiết (dòng họ, người nhà, bạn bè), hay người này đã quen biết vị linh mục từ trước khi ngài chịu chức, thì gọi "anh" hay "em" là một cách gọi thân tình dễ thương cần thiết. Nhưng nếu họ chỉ có tương quan sơ giao hay không biết gì về vị linh mục đó, thì việc nhất quyết không gọi linh mục là "cha" xem ra cho thấy một điều gì đó bất thường nơi họ (có thể hàm ý một sự thiếu tôn trọng, có thể là một tính cách càn dở ấu trĩ nào đó về nhân bản hay một kinh nghiệm không hay nào đó đã khiến họ như vậy...) Tuy nhiên, cho dù giáo dân có gọi linh mục là "cha" cho thân tình và tôn trọng, còn về phía linh mục, có lẽ vẫn nên tùy theo đối tượng với độ tuổi, chức vụ, hoàn cảnh mà xưng hô cho phù hợp. Gặp thiếu nhi thì xưng cha gọi con, gặp giới trẻ thì xưng cha gọi em, gặp cô dì chú bác thì xưng con gọi cô dì chú bác, gặp ông bà thì xưng con gọi ông bà, để mối tương quan thân tình nhưng vẫn tôn trọng. Chứ cứ oang oang xưng "cha" với cả người lớn tuổi, thì kẻ này thực tình là không dám...

Thật vậy, kẻ viết bài này lúc mới chịu chức khi được người khác gọi là "cha", thực tình là thấy chưa quen, cứ nghĩ là họ đang gọi ai khác chứ không phải vì mình. Dần dần thì quen hơn, nhưng mình vẫn thấy rất trân quý người khác khi họ gọi mình cách trìu mến là "cha" và tự nhắc nhở mình luôn luôn phải khiêm hạ và dễ gần trong cách sống, vì danh xưng này nhắc nhở mình về tình phụ tử thiêng liêng nhưng đích thực của linh mục đối với dân Chúa.

Hãy tiếp tục gọi các linh mục là "cha", vì danh xưng ấy nhắc nhở cho các linh mục về trách nhiệm của các ngài với dân Chúa:


Thoạt nghe danh xưng "cha", người ta có vẻ thấy nơi người linh mục có nhiều quyền lợi và đặc ân: được mọi người già trẻ bé lớn đều gọi như thế, được tôn trọng và yêu mến, có quyền quyết định những vấn đề chung... Tuy nhiên, nếu hiểu sai, người giáo dân cũng như chính người linh mục có thể tự hào về quyền lợi "làm cha" của mình cách không thích hợp. Nhưng không phải được gọi là "cha" thì linh mục ấy có thể làm gì thì làm mặc ý. Thật ra danh xưng ấy đúng là cho thấy quyền lợi của người linh mục như người cha của dân Chúa khi được dân Chúa tôn trọng, yêu mến, cộng tác và vâng lời trong những công việc chung nhằm xây dựng cộng đoàn. Tuy nhiên, danh xưng ấy không chỉ nói về quyền lợi của người "làm cha", nhưng còn về trách nhiệm của các vị ấy đối với dân Chúa nữa. Bởi vì suy cho cùng, người linh mục được mời gọi để đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô mục tử, Đấng đến "không phải được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,43-45). Nói cách khác, cho dù người khác có gọi người linh mục là gì đi nữa, thì nếu nơi ngài vẫn toát được vẻ đẹp của một người phục vụ, một người tôi tớ tốt lành và trung tín luôn phục vụ hết lòng cho đoàn chiên của Chúa, khi đó thì tiếng "cha" mà các tín hữu gọi vị linh mục ấy là tiếng lòng yêu mến thực sự của họ chứ không phải là một danh xưng nơi môi mép mà họ chỉ phải gọi do một truyền thống khó bỏ mà thôi. Chính bản thân người linh mục cũng cần luôn tự hỏi rằng mình đã trở nên người phục vụ dân Chúa hay chỉ quan tâm tới những quyền lợi của việc "làm cha" (hiểu theo kiểu tiêu cực) của dân Chúa mà thôi.

Tâm sự của một linh mục tâm sự cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm: "Là một linh mục, danh xưng 'cha' nhắc nhở cho bản thân rằng tôi đang được giao phó một trách nhiệm nặng nề của Chúa – những tín hữu của Ngài. Cũng như một người cha phải nuôi dưỡng, hướng dẫn, mời gọi, sửa đổi, tha thứ, lắng nghe và nâng đỡ tinh thần con cái mình, một linh mục cũng phải làm như vậy cho con cái thiêng liêng của mình. Các linh mục phải đặc biệt đáp ứng các nhu cầu tinh thần của những người được trao phó cho mình chăm sóc, mang đến cho họ của ăn nuôi dưỡng của Chúa bằng các Bí tích. Ngài phải hăng hái rao giảng Tin Mừng và xác tín phù hợp với tinh thần Giáo Hội, mời gọi tất cả mọi người tiếp tục con đường sám hối, hoán cải dẫn đến sự thánh thiện. Ngài phải sửa đổi những người đã mắc sai lầm, nhưng với lòng thương xót và nhân ái. Bằng tinh thần giống như người cha với đứa con hoang đàng của mình, linh mục phải hòa giải những người tội lỗi, những người đã lầm đường lạc lối nhưng tìm đường trở lại với Chúa. Như một người cha lắng nghe con mình, linh mục cũng phải lắng nghe người con thiêng liêng của mình, phải khuyên giải, an ủi. Linh mục cũng cần quan tâm đến các nhu cầu "thể lý" của đàn chiên – của ăn, nhà ở, quần áo và giáo dục"[6].

Là người cha thiêng liêng của họ nên linh mục được mời gọi chu toàn những trách nhiệm được trao cho các ngài. Bởi vì được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Tư Tế, là Ngôn Sứ và là Vương Đế nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, người linh mục cũng được thông phần vào thừa tác vụ Thánh Hoá, Giảng Dạy và Cai Quản bằng cách phục vụ dân Chúa trong những trách nhiệm cụ thể của đời linh mục. Thực ra, có nhiều hoàn cảnh rất khác nhau trong đời sống Giáo Hội. Có những nơi thiếu thốn nhân sự trầm trọng như các vùng truyền giáo chẳng hạn, nên các linh mục, tu sĩ và những người giáo dân nòng cốt sẽ phải làm rất nhiều những công tác khác nhau. Cũng có  những giáo xứ truyền thống trong các thành phố và thị trấn lớn với đầy đủ nhân sự và công việc mục vụ. Kẻ viết bài này có dịp được trải nghiệm hai hoàn cảnh mục vụ hầu như trái ngược nhau, vốn dĩ đem lại những kinh nghiệm mục vụ quý giá cho bản thân. Lúc vừa ra trường, tôi đã được sai về giáo xứ An Thới Đông ở vùng đất Cần Giờ, một vùng truyền giáo của Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Và như đã nói, người linh mục, chủng sinh hay tu sĩ cũng đồng lao cộng khổ trong mọi thứ với cộng đồng dân Chúa vốn dĩ rất ít ỏi, lèo tèo và cằn cỗi đạo nghĩa giống y như mảnh đất vẫn hãy còn nghèo nàn ấy vậy, từ giật chuông, mở cửa nhà thờ, chỉnh máy chiếu, bắt kinh, dọn lễ, xuống hàng cứu trợ, tưới kiểng, kể cả xây dựng, thăm viếng mục vụ... Tuy nhiên sau khi chịu chức, tôi lại được sai về giáo xứ Bùi Môn, một giáo xứ lớn đông giáo dân, với truyền thống kì cựu gần 70 năm có nhiều hội đoàn, sinh hoạt, và công tác mục vụ, rồi sau đó về Thị Nghè, một xứ đạo nhỏ hơn nhưng có truyền thống lâu đời (150 năm tính từ ngày có sổ sách giáo xứ, chứ thật ra giáo xứ đã có khoảng 250 năm). Ở hai giáo xứ này, tất cả mọi thứ đã có người làm, bản thân mình không tự làm tất cả mọi thứ như ở An Thới Đông nữa. Nhưng chỉ quanh quẩn với những công tác mục vụ của giáo xứ cho tận tâm thôi cũng đã đủ mệt nhoài... Tuy nhiên, cho dù là trong hầu như mọi thứ đều có những người thạo việc đi nữa, thì vẫn có những công việc mà không ai có thể làm thay cho linh mục: dâng thánh lễ, ngồi toà giải tội, gặp gỡ giáo dân và giải quyết những vấn đề trong đời sống của họ kèm theo việc linh hướng... Bản thân tôi tự nhủ rằng: Những việc khác đã có những người khác làm cả rồi, còn những việc chỉ có linh mục có thể làm, thì tôi phải lo chu toàn. Bởi nếu đã làm được thì họ đã làm thay cho các cha rồi. Chính vì chỉ có những việc mà chỉ có các cha mới có thể làm mà họ không làm thay được, nên tôi cần phải làm cho chu đáo hết sức có thể, cho dù có lúc lã chã mồ hôi khi dâng lễ, ngồi đến còng lưng ở toà giải tội, kiên nhẫn gặp gỡ, lắng nghe và khuyên bảo người ta khi bản thân đã mệt nhoài...

Nhiều người tưởng rằng các linh mục rảnh rỗi lắm, không phải bận bịu bôn ba như người đời với cơm áo gạo tiền hằng ngày. Nếu có lý do gì, hình ảnh gì, thậm chí gương xấu gì nơi các linh mục khiến cho người ta nghĩ vậy, thì thật là đáng tiếc. Nhưng kẻ này trộm nghĩ rằng, nếu thực sự sống đời linh mục cách tâm huyết, thì chẳng bao giờ người linh mục rảnh rỗi cả. Thật vậy, là một linh mục giáo phận, người linh mục được mời gọi nên thánh trong đời sống mục vụ. Các ngài luôn được mời gọi sẵn sàng: sẵn sàng khi có người tiếp tục đến xưng tội dù lưng đã mỏi, sẵn sàng xuống tiếp dân khi có tiếng chuông reo dù mới vừa lên phòng, sẵn sàng đi xức dầu cho bệnh nhân dù nắng trưa hay đêm mưa lất phất, sẵn sàng đến thăm viếng và Trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, sẵn sàng lắng nghe những tâm tư và thao thức của những ai tìm đến xin hướng dẫn đời sống... Với ý thức rằng sự hiện diện của người linh mục chính là bằng chứng hữu hình và cụ thể cho việc Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài. Đó là thái độ cần thiết nơi người của Chúa: luôn sẵn sàng phục vụ những người tìm đến với mình, không phân biệt, không cau có, không khép kín, không trốn tránh... Dân Chúa ước mong người linh mục luôn luôn ý thức trách nhiệm của mình trong tư thế sẵn sàng luôn phục vụ và chăm sóc đoàn chiên Chúa trao. Và càng thực hiện những trách nhiệm của đời mục tử, người linh mục càng ngày càng trở nên người cha, có được tâm tình người cha và sống tình cha giữa đoàn dân được trao phó cho mình. Và ngay cả khi không làm những trách nhiệm chuyên biệt của người mục tử mà chỉ là những cuộc giao tiếp đơn sơ hằng ngày, những công việc thường nhật khi tiếp xúc với mọi người, những bổn phận lặng lẽ của đời linh mục như đọc kinh phụng vụ, soạn bài giảng cũng có thể bồi đắp hình ảnh người cha trong tâm hồn, sứ mạng và cuộc đời của người linh mục. Nếu khi chịu chức, vị tân chức bắt đầu được gọi là "cha" thì với ơn Chúa, khi càng sống đời mục tử, ngài càng sống danh xưng ấy cách thắm thiết sâu xa hơn nữa, ngài càng trở nên "cha" hơn nữa.

Vậy, khi gọi một linh mục là "cha", chúng ta đang nhắc nhở cho vị ấy trách nhiệm làm cha của ngài. Gọi vậy, không phải là cho ngài, nhưng nhắc ngài về trách nhiệm ngài có đối với chúng ta.

Vì danh xưng ấy khích lệ linh mục ý thức sống thánh thiện do ơn ban bí tích truyền chức của mình:


Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã trích dẫn lại lời Thánh Grêgôriô Nazianzênô, khi còn là một linh mục trẻ, đã phát biểu như sau về đời sống cần phải có của một linh mục:

"Trước tiên phải thanh luyện mình rồi mới thanh luyện kẻ khác; phải học sự khôn ngoan, rồi mới dạy dỗ sự khôn ngoan cho người khác; phải trở nên ánh sáng, rồi mới chiếu soi người khác; phải đến gần Chúa rồi mới dẫn người khác đến gần Ngài; phải được thánh hoá, rồi mới thánh hoá (người khác); cầm tay dẫn dắt và khuyên bảo cách khôn ngoan. Tôi biết, chúng ta là thừa tác viên của Đấng nào, chúng ta ở đâu, và chúng ta hướng về đâu. Tôi biết, Thiên Chúa cao cả như thế nào, sự yếu đuối của con người như thế nào và nó lại được ban quyền năng ra sao. [Vậy linh mục là ai ? Là] người bảo vệ chân lý, người sẽ đứng với các Thiên thần, sẽ tôn vinh với các Tổng lãnh Thiên thần, sẽ mang hy lễ lên bàn thờ thiên quốc, sẽ chia sẻ chức tư tế với Đức Kitô, sẽ tái tạo vạn vật, sẽ phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi thụ tạo, sẽ là công nhân cho thế giới thiên quốc; và, cho tôi nói điều cao cả hơn nữa, linh mục sẽ là một vị thần và làm cho những người khác nên những vị thần".

Ý thức danh xưng mà người giáo dân gọi các linh mục, những người cha thiêng liêng này còn được mời gọi sống thánh thiện và tròn đầy cách viên mãn ơn ban của bí tích truyền chức thánh[7]. Bởi vì chức linh mục không phải là một nghề nghiệp, một dịp để tiến thân trên con đường danh vọng, một cơ hội để sống giàu có và hưởng thụ, một cách thức để sống trưởng thượng và kiêu kì, cũng không phải là để lợi dụng người khác mà trục lợi bản thân, đánh bóng tên tuổi, hay thỏa mãn ích kỉ riêng mình. Dù trong thực tế đời sống vẫn có những thứ phũ phàng không như là lý tưởng, nhưng Giáo Hội bao giờ cũng dạy cho các ứng viên ý thức rằng chức linh mục là một ơn gọi. Mà đã là ơn gọi thì người trao ban là Chúa, người lãnh nhận chỉ có thể đón lấy với tấm lòng khiêm hạ thẳm sâu và nỗ lực dùng hết đời mình để đáp lại ơn ban đó. Mà nếu đã ý thức được điều đó thì có lẽ người linh mục ấy chỉ có thể thao thức liên lỉ để sống một thứ "linh đạo đền đáp" như vậy suốt cả đời mình: ý thức Chúa thương mình vô vàn, người linh mục luôn tìm cách đền đáp tình yêu Chúa trong mọi công việc, mọi hoạt động lớn nhỏ, công khai hay riêng tư của mình, cho cộng đoàn hay cho chính mình...

Vì khao khát được gọi là "cha", nên nhiều chủng sinh chỉ làm sao để được chịu chức. Khi đã chịu chức, người linh mục ấy đã đạt được mong muốn của mình rồi, nên thấy không cần phải cố gắng nữa. Chính lúc đó là lúc nguy hiểm, vì người linh mục ấy chỉ đặt mục đích đời ơn gọi của mình là để "làm cha" mà thôi. Khi đạt được rồi, thế là xong. Và như vậy ngay lúc chịu chức để được "làm cha", người linh mục ấy đã bắt đầu tuột dốc. Thực ra, cần phải ý thức để sống thánh thiện hơn mỗi ngày thì mới phải. Cái khó là ơn ban của bí tích truyền chức dù đã thánh hiến cả con người linh mục ấy, tuy nhiên, nhìn bề ngoài thì có thể vị ấy vẫn chẳng thấy có gì khác là mấy so với trước kia, bởi vì ơn Chúa thì vô hình vô dạng. Người linh mục được thánh hiến hoàn toàn nhưng vẫn phải ngày ngày nỗ lực trên con đường hoàn thiện. Cần phân biệt giữa học xuất sắc, hiểu nhiều, giảng hay, dạy tốt, nói giỏi, phong cách dâng lễ chuyên nghiệp, với việc tiếp tục tiến lên trên con đường đạo đức. Người linh mục cần có chiều sâu nội tâm và sự thánh thiện để nhận ra rằng giá trị của phép truyền chức thánh không nằm ở những bộ áo lễ sang trọng uy nghi, những đặc quyền vinh dự các ngài đang có, những sự kính trọng của người khác với các ngài; nhưng ở tình yêu nhưng không của Chúa đã đoái thương chọn gọi các ngài, và ở nơi nỗ lực nên thánh của chính người linh mục đó vì ý thức được sức biến đổi của ơn thánh và tình thương hải hà Chúa ban cho đời mình. Bằng không, cả người đời lẫn người linh mục dễ sống hời hợt để đánh đồng cái đẹp do những thứ hào nhoáng bên ngoài với sự thánh thiện trong bản chất con người mình. Đẹp không hẳn đồng nghĩa với thánh thiện! Được vinh dự không có nghĩa là thánh thiện! Được kính trọng không chắc là vì thánh thiện! Nhiều khi không đủ chiều sâu thiêng liêng, hời hợt nông cạn trong việc kiểm điểm nội tâm, hay dần dần nhạt phai ý thức để luôn tiến đức, người linh mục lâu dần dễ đánh đồng hai điều ấy, hay còn tệ hơn là sống hai mặt giả hình.

Khổ thay, vì không ý thức đủ để sống thánh thiện cho xứng đáng với ơn thánh của bí tích truyền chức, cho nên dân Chúa lại thấy hết sức khó chịu khi thấy có những người linh mục chỉ giảng mà không sống, chỉ nói mà không làm, chỉ khuyên suông mà không là gương sáng. Sự bất nhất giữa lời nói và hành động là điều làm cho đời sống người linh mục mất uy tín, mất độ đáng tin trong lòng người tín hữu. Điều này làm cho kẻ này tự nhủ trong lòng rằng, nếu không nỗ lực sống đạo đức thì đừng đi tu làm linh mục nữa, vì đã có quá nhiều linh mục như thế rồi[8]. Thế nhưng thú thật kẻ này vẫn luôn lấy làm xấu hổ, khi có dịp tiếp xúc với những giáo dân đạo đức thánh thiện hơn mình. Chính họ khích lệ bản thân kẻ này phải nỗ lực sống đạo đức hơn mỗi ngày, dù có muôn vàn khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài của đời linh mục. Chính vì vậy mà kẻ này phải luôn tìm cách để "khơi thắm lại lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống" nơi mình (2 Tm 1,6). Có lẽ chính vì điều này mà càng ngày số người đi tu càng ít chăng? Dù sao, các bạn trẻ đừng để cho những khó khăn vất vả và những đòi hỏi của đời linh mục làm chùn bước mình và dập tắt ngọn lửa yêu mến ơn gọi được khơi lên trong lòng các bạn. Bởi vì "ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" (2 Cr 12, 9)

Vì vậy, khi chúng ta gọi một linh mục là "cha", điều đó nhắc nhở cho vị ấy rằng cần phải sống đạo đức và tiến lên trước dân Chúa trên con đường thánh thiện, để xứng đáng với danh xưng họ dành cho ngài.

Những suy tư đơn sơ trên đây không phải là những tư tưởng cao siêu của thần học, chỉ là những tâm tình sống của đời thường về người linh mục. Nó cũng không hề có tham vọng được bao quát toàn bộ mầu nhiệm ơn gọi linh mục, chức thánh hay đời linh mục. Nó chỉ là những suy tư đơn sơ dựa trên một từ ngữ đơn sơ người ta hay gọi về người linh mục để cho thấy rằng, gọi người linh mục bằng từ "cha" không có gì là sai trái với Kinh Thánh cả. Ngược lại đó là một truyền thống rất cổ kính, không nhằm tô vẽ những đặc ân hay quyền lợi cho người linh mục nhưng thực sự nhắc nhớ người linh mục về tình phụ tử thiêng liêng nhưng đích thực của ngài, về trách nhiệm của ngài với dân Chúa, và khích lệ người linh mục sống thánh thiện cho xứng với ơn gọi cao cả do bí tích truyền chức mang lại, không phải cho cá nhân vị ấy nhưng trong lợi ích của toàn thể dân Chúa. Ước gì khi nhìn thấy và tiếp xúc với người linh mục, người ta không thấy một linh mục đơn thuần theo chức vụ, nhưng nhìn thấy một người cha của dân Chúa; Uớc gì nơi người linh mục, người ta không cảm nhận về một công chức của Giáo Hội đang chu toàn trách nhiệm nhưng nhìn thấy một người mục tử luôn mau mắn phục vụ; Uớc gì nơi người linh mục, người ta cũng không cảm nhận về một con người đang quản trị mọi người nhưng nhìn thấy Chúa Giêsu Mục Tử đang chăm sóc họ qua đời sống và tác vụ của vị ấy; Ước ao này thì tốt đẹp, nhưng người linh mục thì muôn vàn giới hạn! Nhưng dù sao biết ước ao còn hơn không. Tuy nhiên, những nỗ lực nho nhỏ của bản thân người linh mục mỗi ngày, cộng với đôi tay luôn mở rộng để đón lấy ơn Chúa sẽ biến những ước ao tốt đẹp ấy thành hiện thực.

Vậy, xin hãy tiếp tục gọi các linh mục là cha.
Suy tư bị ngắt quãng vì bận bịu, viết xong 15/02/2025
Con Chiên Nhỏ (Ns. Lm. Giang Tâm)
[1] ĐẶNG TỰ DO, Diễn biến lạ lùng – Hồng Y Tân Tây Lan khuyên các tín hữu Công Giáo từ nay đừng gọi các linh mục là "Cha", đăng ngày 04/06/2019, truy cập ngày 09/11/2023, http://www.vietcatholicnews.net/
[2] LM. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, OP., Hiểu Sống Đức Tin: Tại Sao Gọi Các Linh Mục Là "Cha"?, đăng ngày 24/09/2018, truy cập ngày 09/11/2023, https://catechesis.net/
[3] LM. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, OP., Hiểu Sống Đức Tin: Tại Sao Gọi Các Linh Mục Là "Cha"?, đăng ngày 24/09/2018, truy cập ngày 09/11/2023, https://catechesis.net/
[4] JOS. LÊ CÔNG THƯỢNG, Tại Sao Các Linh Mục Được Gọi Là Cha?, chuyển ngữ từ catholicexchange, đăng ngày 28/09/2020, truy cập ngày 09/11/2023, https://www.mfvietnam.org/
[5] LM. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, OP., Hiểu Sống Đức Tin: Tại Sao Gọi Các Linh Mục Là "Cha"?, đăng ngày 24/09/2018, truy cập ngày 09/11/2023, https://catechesis.net/
[6] JOS. LÊ CÔNG THƯỢNG, Tại Sao Các Linh Mục Được Gọi Là Cha?, chuyển ngữ từ catholicexchange, đăng ngày 28/09/2020, truy cập ngày 09/11/2023, https://www.mfvietnam.org/
[7] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Pastores dabo vobis, chương III
[8] Tên một bài viết rất hay của cha Casey Cole OFM, được lan truyền rộng rãi, có thể tham khảo trên internet https://giaophanbacninh.org/

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Top Stuff (for audio player code)

Bottom Stuff (for audio player code)